Phát triển chăn nuôi – Hướng đến mục tiêu an toàn

28/08/2008

 Trước tình trạng dịch bệnh, giá heo bấp bênh, ngành chăn nuôi cần có định hướng và quy hoạch chăn nuôi heo theo hướng công nghiệp, nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, chăn nuôi heo đứng vị trí thứ nhất trong ngành chăn nuôi, với tổng đàn gần 300 ngàn con, tập trung chủ yếu tại các huyện Tân Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc… Tuy vậy, quy mô chăn nuôi lại chủ yếu là phân tán, nhỏ lẻ. Đợt bùng phát dịch bệnh heo tai xanh vừa qua cho thấy, những nơi bùng phát dịch hầu hết là từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Còn ở các trạng trại, vùng chăn nuôi tập trung đàn heo vẫn được an toàn. Ông Lê Thanh Đính, chủ trang trại nuôi heo, xã Láng Lớn, huyện Châu Đức cho biết: “Trang trại tôi nuôi heo nái kết hợp heo thịt thương phẩm, tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ đồng. Khi dịch bệnh tai xanh lây lan ra toàn tỉnh, tôi rất lo lắng. Với tổng đàn heo 3.000 con nếu xảy ra dịch bệnh thì nguy cơ phá sản là điều khó tránh khỏi. Vì thế, trong việc chăm sóc và quản lý đàn heo ngay từ đầu chúng tôi đã chú ý tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, ngoài ra trong quá trình nuôi chúng tôi thực hiện vệ sinh an toàn dịch bệnh dưới sự giám sát của ngành thú y như mua con giống phải rõ nguồn gốc, xuất chuồng có sự kiểm dịch của cán bộ thú y”. Ônng Nguyễn Đình Bảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết, nguyên nhân chính làm lây lan dịch bệnh là từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, mà chủ yếu xuất phát từ heo giống. Các hộ chăn nuôi thường mua heo giống trôi nổi trên thị trường, nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan thú y.

Ngoài tình trạng chăn nuôi nhỏ, lẻ phân tán và người dân chưa có ý thức chấp hành Pháp lệnh Thú y cũng như các quy định về kiểm dịch thú y như hiện nay thì công tác kiểm soát giết mổ còn lỏng lẻo. Kết quả kiểm tra cho thấy, có đến hơn 70% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ có trang thiết bị dùng cho quá trình giết mổ còn rất thô sơ. Nhiều địa điểm giết mổ không có hệ thống xử lý chất thải, hoặc có thì cũng không bảo đảm vệ sinh môi trường. Chất thải trong quá trình giết mổ không qua hệ thống xử lý mà trực tiếp chảy ra hệ thống thoát nước công cộng hoặc chảy thẳng ra các sông ngòi, ao hồ làm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đây là những nơi tiềm ẩn nguy cơ phát tán dịch bệnh.

Hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đang tiến hành xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020. Riêng với đàn heo, Sở cũng đã có định hướng và mục tiêu cụ thể như phát triển chăn nuôi heo theo hướng công nghiệp, với quy trình khép kín từ trang trại chăn nuôi đến cơ sở giết mổ. Từng bước, chủ động kiểm soát và khống chế các dịch bệnh nguy hiểm như dịch heo tai xanh, lở mồm long móng…; Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh lở mồm long móng và dịch tả, phấn đấu đến năm 2010 Bà Rịa- Vũng Tàu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là vùng an toàn dịch bệnh động vật nội địa với hai bệnh lở mồm long móng và dịch tả. Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi như: tạo vốn, tiếp thị, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, cung cấp các thông tin về giống, giá cả vật tư đầu vào, thị trường tiêu thụ và giá cả sản phẩm…

Bài, ảnh: Trà Ngân 

Trả lời