Hướng dẫn xử lý vật nuôi bị choáng phản vệ do kháng sinh

22/09/2018

Tất cả các loại kháng sinh đều có thể là nguyên nhân gây choáng phản vệ với những hậu quả nghiêm trọng, có thể dẫn đến chết con vật (nhất là thú cảnh, chó cảnh, gây thiệt hại về kinh tế lớn) chủ yếu chúng ta không biết cách đề phòng không biết xử lý kịp thời và chính xác.
Vì vậy sau khi cho vật nuôi uống, tiêm kháng sinh và các loại vaccine phòng bệnh nếu thấy các triệu chứng của choáng phản vệ như: con vật bồn chồn quay cuồng, loạng choạng, thở khó, khò khè, cánh mũi phập phồng, mệt mỏi, mẩn ngứa, mề đay, ban đỏ ở vùng niêm mạc, da mỏng, ít lông; sốt, hôn mê cần xử lý nhanh, theo trình tự sau:
1. Để con vật nằm yên nơi kín gió, đầu hơi thấp và nghiêng về một bên.
2. Tiêm dưới da 0,2 – 0,3 ml dung dịch Adrenalin 0,1% vào nơi tiêm kháng sinh hay vacxin. Sau ít phút tim, mạch trở lại bình thường. Nếu sau 10 – 15 phút con vật không thấy tốt lên, tiêm lại lần nữa vẫn liều 0,2 – 0,3 ml dung dịch Adrenalin 0,1%

 

3. Nếu sau lần tiêm Adrenalin 0,1% con vật vẫn không tốt lên, tim, mạch yếu, mệt mỏi… thì tiêm vào tĩnh mạch (thật chậm) 150 ml – 200 ml dung dịch glucoza 5% cho 10kg thể trọng trong ngày. Có thể cho thêm vào dung dịch Glucoza 5% một lượng 20 – 30 mg Prednisolon. Nếu triệu chứng khó thở thêm 1 – 2 ml dung dịch Aminofylin 2,4%. Nếu có triệu chứng suy tim thêm vào 0,2 – 0,3 ml Strofantin 0,05%.
4. Có thể cho con vật uống thêm an thần (Seducen) hay cho thở oxy (tẩm bông có oxy cho con vật ngửi).
5. Cần tiêm cho súc vật thuốc chống dị ứng: Dimedron hoặc Promethazin theo liều 2 ml/10 – 20 kg thể trọng.
6. Sau khi con vật trở lại bình thường cần theo dõi tình trạng sức khoẻ – cho thêm liều trình thuốc bổ. Tăng sức đề kháng của con vật.

Theo PGS.TS Phạm Sỹ Lăng – PTS. Lê Thị Tài

Trả lời