PGS.TS Phạm Sỹ Lăng – Cây đại thụ của ngành thú y Việt Nam

19/07/2017

Chúng tôi đến thăm ông tại một căn nhà nhỏ nằm sâu trong một con ngõ đường Minh Khai, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội vào một ngày hè  tháng 6 oi bức, đón tiếp chúng tôi là PGS.TS Phạm Sỹ Lăng cùng người bạn đời của ông.

Ấn tượng đầu tiên khi gặp khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ bởi hai con người có nụ cười và ánh mắt đôn hậu. Bằng sự kính trọng và ngưỡng mộ chúng tôi gọi ông là PGS.TS nhưng ông bảo ông về hưu rồi thì gọi bằng ông.

Ít ai nghĩ rằng, ở cái tuổi thất thập cổ lai hy này, lại đang mang trong mình căn bệnh paskingson với bước đi không vững, chân tay run run, nhưng nói chuyện với chúng tôi ông lại hoàn toàn minh mẫn. Đặc biệt khi nói về những cuốn sách do chính ông biên soạn, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi thấy ông say sưa và tràn đầy nhiệt huyết nói về những đứa con tinh thần của mình.

Không có khoảng cách thế hệ, tại căn nhà nhỏ đó chúng tôi được ông chia sẻ kinh nghiệm, bàn giao lại những kiến thức quý báu về ngành thú y đã được ông nhiệt huyết nghiên cứu trong nhiều năm qua. Điều may mắn của chúng tôi (Công ty CP Thú y xanh Việt Nam) được ông tin cậy và trao tặng toàn bộ số sách, những công trình nghiên cứu của ông để tiếp tục truyền lửa cho thế hệ mai sau.

PGS.TS Phạm Sỹ Lăng sinh năm 1939 tại Hà Nội, Năm 1962, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội ông giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ngành nông nghiệp: Trạm thú y Hưng Yên (1962-1968); viện khoa học nông nghiệp Việt Nam (1968-1987); viện thú y, Bộ nông nghiệp (1987-2003)….

Trong quá trình công tác ông có nhiều công trình nghiên cứu sâu trong lĩnh vực ngành thú y, và biên soạn hàng trăm cuốn sách về ngành thú y, có nhiều cuốn sách được biên soạn thành giáo trình chính trong các trường đại học, cao đẳng chuyên về ngành thú y dành cho sinh viên….

Sức khỏe yếu đi, đã cản trở lòng yêu nghề, muốn cống hiến và thêm nhiều công trình nghiên cứu khác nữa nhưng ông bất lực, bất lực vì sức khỏe của mình không cho phép. Ánh mắt có một chút buồn thoáng qua khi nhìn những cuốn sách mình biên soạn, những công trình nghiên cứu được nhà nước công nhận, ông tâm sự “có những cuốn nghiên cứu và viết trong gần chục năm, giờ muốn viết nữa cũng chịu thôi….”, xuyên suốt buổi nói chuyện, thỉnh thoảng ông nhắc nhở chúng tôi “các cháu giữ gìn cẩn thận nhé”.

Trong những cuốn sách của ông, tôi thực sự ấn tượng về cuốn “Bệnh trâu bò ở Việt Nam”. Lật từng trang sách ra tôi hoàn toàn bị choáng ngợp bởi những nghiên cứu của ông về các bệnh, cũng như kinh nghiệm chẩn đoán phòng trị bệnh chủ yếu gây hại cho trâu bò. Ông nói “Cuốn này nhiều kiến thức lắm, các cháu gìn giữ cẩn thận, các cháu xếp từng đầu sách theo các bệnh sau này cho dễ tìm”.

Bất chợt tôi nhớ đến câu thơ “một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, với những ai từng được tiến sỹ Lăng giảng dạy đó là điều thật may mắn, bởi những bài giảng của ông là những nghiên cứu được ứng dụng khảo nghiệm thực tế nhằm giúp sinh viên hiểu sâu và nắm chắc hơn về các bệnh trong ngành thú y. Ông đã từng đứng lớp giảng dạy cho nhiều thế hệ sinh trường Học viện nông nghiệp Việt Nam, các trường đại học, cao đẳng khác chuyên về ngành thú y, có lẽ điểm chung của các thế hệ học trò khi nói về thầy Lăng đó là “lòng kính trọng và biết ơn”.

Hơn 40 năm trong nghề, và đến tận bây giờ mặc dù đã về hưu, hàng ngày phải chống chọi với căn bệnh paskingson, nhưng tình yêu nghề vẫn cháy bỏng trong ông, ông tâm sự “tôi muốn tiếp tục nghiên cứu thêm về ngành”, trong một buổi gặp gỡ với các cán bộ ngành thú y  ông cũng từng chia sẻ: “tôi mừng vì những cuốn sách của mình đã góp phần nhỏ bé vào công tác đào tạo cán bộ thú y và ứng dụng vào sản xuất”.

Trước khi ra về, những cuốn sách vốn được ông trân trọng nâng niu, ông căn dặn “giờ không hiệu sách nào có đâu, các cháu giữ cẩn thận và nên sắp xếp theo từng loài cho dễ tìm”.

Công ty CP Thú y Xanh Việt Nam kính chúc PGS.TS Phạm Sỹ Lăng khỏe mạnh, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho gia đình, cũng như các thế hệ đồng nghiệp tiếp tục con đường ngành thú y mà ông đã có nhiều đóng góp giá trị lớn cho ngành thú y Việt Nam.

Trả lời