Ngày Thú y Việt Nam – Chào mừng ngày thú y Việt Nam

10/09/2008

CHÀO MỪNG  NGÀY THÚ Y  VIỆT NAM

GS.TS. Đào Trọng Đạt – Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam     
Ngành thú y nước ta đến nay đã có trên 100 năm tuổi với những đóng góp của ngành cho cách mạng, cho xây dựng và phát triển kinh tế xã hội nước ta vị trí và tầm quan trọng của ngành ngày càng được nhà nước ta và toàn xã hội coi trọng và công nhận. Vai trò và vị trí của công tác thú y trong xã hội ngày càng được khẳng định và nâng cao theo chiều thuận với sự phát triển của nền kinh tế và trình độ văn minh của xã hội nước ta.

Thành công quan trọng nhất của ngành thú y Việt Nam từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945 tới nay là:

1. Tổ chức chuyên ngành thú y bao gồm:

a) Hệ thống chuyên làm công tác quản lý nhà nước: “Cục thú y thuộc Bộ Nông nghiệp Và PTNT cùng các cơ quan kỹ thuật, nghiệp vụ trực thuộc Cục cộng với hệ thống dọc là các chi cục thú y ở các tỉnh và các trạm thú y huyện”;

b) Một màng lưới thú y cơ sở bao gồm vài chục nghìn người là BS. Thú y, Trung cấp kỹ thuật Thú y và sơ cấp thú y làm công việc chữa trị bệnh tật cho vật nuôi, bảo vệ sức khoẻ vật nuôi v.v… ở các trang trại, xã, phường theo chế độ dịch vụ thú y, hoạt động của họ cũng có một phần mang màu sắc dịch vụ công nhưng chưa được công nhận bởi quản lý nhà nước. Về tổ chức và hoạt động của màng lưới tổ chức này tác giả xin được đề cập kỹ hơn ở phần cuối của bài này. Đây là hai mảng tổ chức và hoạt động riêng, nhà nước và tư nhân, nhưng có quan hệ hữu cơ, gắn bó chặt chẽ với nhau thành một hệ thống hoạt động ngành hết sức quan trọng;

c) Viện nghiên cứu thú y, phân viện thú y miền Trung trực thuộc Viện và Trung tâm nghiên cứu thú y Nam Bộ trực thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên “NAVETCO” là cơ quan nghiên cứu Khoa học Công nghệ Thú y;

d) Một hệ thống bao gồm các Công ty, cơ sở sản xuất, cung ứng thuốc thú y, vacxin thú y và dụng cụ thú y được phân bố đều khắp trong cả nước cung ứng cho nhu cầu bảo vệ sức khoẻ và chữa trị bệnh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm và cả cho động vật nuôi dưới nước.

Mọi hoạt động của các tổ chức thú y này đều thống nhất chịu sự quản lý nhà nước theo pháp lệnh thú y và các văn bản pháp qui cụ thể hoá các điều khoản của pháp lệnh Thú y và các điều luật khác có liên quan.

2. Một hệ thống văn bản pháp lý quản lý ngành được ban hành và áp dụng.

Sắc lệnh số 125-SL do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 11 tháng 07 năm 1950, văn bản pháp lý đầu tiên về công tác thú y của Nhà nước Cộng Hoà. Pháp lệnh thú y năm 1993 rồi pháp lệnh 2004 ngày càng hoàn thiện về qui định tổ chức, hoạt động và quản lý ngành theo luật pháp chuyên ngành phù hợp luật pháp quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong nước và hội nhập quốc tế.

3. Thanh toán được bệnh dịch tả trâu bò, khống chế tối đa được một số bệnh truyền nhiễm và truyền lây quan trọng gây thiệt hại kinh tế lớn trong chăn nuôi và gây tử vong cho người như các bệnh Dịch tả lợn, Đóng dấu lợn, bệnh chó dại, bệnh nhiệt than, bệnh tiên mao trùng và một số bệnh ký sinh trùng khác.

Đó là kết quả của sự chiến đấu không ngừng của toàn ngành Thú y bằng việc áp dụng các phương tiện khoa học kỹ thuật còn rất hạn chế có được của ngành cộng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ đối với ngành.

Hiện nay qua 17 tháng khống chế an toàn bệnh cúm gia cầm trên toàn quốc, chúng ta đang nỗ lực chiến đấu với những kinh nghiệm hiện có và những cơ sở vật chất ngày một cải thiện chúng ta hoàn toàn tin tưởng sẽ khống chế, kiểm soát được dịch tễ của các bệnh quan trọng như dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng có hiệu quả.

4. Xây dựng được một đội ngũ cán bộ chuyên môn hơn 40 nghìn người có trình độ Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Thạc sĩ, Bác sĩ (đại học thú y) và kỹ thuật viên thú y (trung, sơ cấp) được đào tạo, có kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp phân bố làm việc trong ngành từ trung ương đến địa phương, cơ sở, ở các cơ quan thuộc hệ nhà và hệ dịch vụ tư nhân, trong các lĩnh vực quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học công nghê, đào tạo cán bộ, sản xuất chế tạo thuốc và công tác thú y thực hành bảo vệ sức khoẻ vật nuôi tại cơ sở ở phường xã và các trang trại chăn nuôi có qui mô lớn nhỏ khác nhau.

Đội ngũ những người làm công tác thú y Việt Nam như hiện nay cũng còn nhiều chỗ yếu nhất là về kiến thức và tay nghề. Thực tế đó càng ở tuyến dưới càng biểu hiện rõ rệt, nó đòi hỏi sự quan tâm của nhà nước nhiều về biện pháp tổ chức và chế độ bồi dưỡng để sớm khắc phục đáp ứng yêu cầu của sản xuất phát triển.

Tất cả những người thú y Việt Nam tập hợp trong tổ chức xã hội nghề nghiệp của mình – Hội thú y Việt Nam – thắt chặt tình hữu về nghề nghiệp , động viên, giáo dục nhau về tinh thần và trách nhiệm nghề nghiệp với xã hội, tổ chức bồi dưỡng nâng cao kiến thức năng lực nghiệp vụ để ngày một thực hiện tốt hơn công việc chuyên môn của mình.

Phần tổ chức thú y thuộc nhà nước về cơ bản đã được xây dựng hợp lý để thực thi quyền hạn và trách nhiệm của mình theo pháp lệnh thú y và các văn bản pháp chế có liên quan.

Về tổ chức thú y cơ sở, đây là một hệ thống thú y hoạt động trực tiếp trong sản xuất chăn nuôi ở trang trại, phường xã. Nhiệm vụ chức năng của nó là bảo vệ an toàn dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ cho động vật nuôi làm tăng lợi ích kinh tế trực tiếp cho chủ vật nuôi, bảo đảm sản phẩm chăn nuôi sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường khỏi bị ô nhiểm bởi chất thải chăn nuôi theo nghĩa rộng.

Về tính chất hoạt động , họ là những người hành nghề tự do nên nhiều nước gọi họ là những nhà thú y tự do (Veterinaires libres). Mọi hoạt động của họ được nhà nước quản lý theo luật nghề nghiệp và các luật cơ bản chung của xã hội.

Những người làm thú y tự do này không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, nguồn thu nhập của họ là từ việc làm dịch vụ chuyên môn bao gồm dịch vụ kinh tế và dịch vụ công.

Dịch vụ kinh tế là những việc khám, chữa bệnh cho vật nuôi, thiến hoạn, gieo tinh, tư vấn, thú y chăn nuôi cho các trang trại, bán thuốc thú y , thuc an chan nuoi cho người sử dụng. Người sử dụng dịch vụ trả công dịch vụ cho người làm dịch vụ, ở những nước có tổ chức quản lý tốt, tiền dịch vụ được tính theo tiêu chuẩn do Hội nghề nghiệp qui định và giám sát.

Dịch vụ công là những việc nằm trong phạm trù quản lý nhà nước chuyên ngành như kiểm dịch động vật, giám sát dịch tễ, khai báo dịch tễ, kiểm soát sát sinh v.v … người thú y tự do được cơ quan quản lý nhà nước uỷ nhiệm thực hiện các dịch vụ công này sẽ được hưởng tiền dịch vụ công từ ngân sách nhà nước chi trả.

Do tính đặc thù của màng lưới thú y cơ sở (Thú y thực hành, thú y tự do) nên những người thú y này được coi như là con mắt, bàn tay của ngành.

Thực vậy mọi sự giám sát, giám sát dịch tễ, kiểm dịch vận chuyển, tăng giảm đàn ở địa phương, việc giết mổ sử lý cụ thể ở địa phương đều không thể qua con mắt của màng lưới này được. Việc giám sát dịch bệnh, thông báo dịch do đó chỉ có được thực hiện từ cơ sở do màng lưới này hoạt động thì mới kịp thời, chặt chẽ và thông suốt được.

Cũng như vậy mọi hoạt động nghiệp vụ từ tiêm phòng, chuẩn đoán, chữa trị, tư vấn thú y v.v… đều chỉ qua bàn tay, khối óc của những người thú y cơ sở mới được thực hiện thông suốt với hiệu quả cao.

Yêu cầu phát triển của sản xuất chăn nuôi, người hành nghề thú y tự do cũng cần được nâng cao kiến thức khoa học và tay nghề thường xuy. Việc đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ này ở các nước phát triển do hội hội chuyên ngành – HỘI THÚ Y đảm nhiệm

Phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành thú y Việt Nam, chúng ta mong đợi được sự quan tâm của nhà nước đến việc tổ chức, quản lý bồi dưỡng đào tạo màng lưới thú y cơ sở góp phần kiện toàn tổ chức toàn hệ thống thú y nước nhà trong tương lai gần.

Người viết: Nguyễn Hoa Lý    

Trả lời