Đối với tỉnh ta mặc dù nằm ở tâm của “bão tai xanh” nhưng thiệt hại được đánh giá ở mức thấp. Sau gần 2 tháng chống chọi với bão tai xanh toàn tỉnh tiêu huỷ 8.661 con lợn với tổng trọng lượng 386.509 kg. Trong đó 1.074 lợn nái sinh sản, 4.279 lợn thịt và 3.308 lợn con.
Vậy nguyên nhân nào tỉnh ta đã hạn chế được dịch bệnh?
Theo ông Vi Lưu Bình – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn, có nhiều nguyên nhân nhưng trước hết là các cấp uỷ chính quyền và ngành chuyên môn từ tỉnh đến cơ sở đã phát huy cao tinh thần trách nhiệm. Trong đó phải kể đến vai trò “nhạc trưởng”- UBND tỉnh đã sớm nắm bắt sự chỉ đạo của TW kịp thời đề ra kế hoạch và các giải pháp phòng chống tích cực, sáng tạo. Khi dịch bệnh xảy ra 2 đầu tỉnh (Hà Tĩnh và Thanh Hoá), tỉnh đã chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp với công an và các địa phương vùng giáp ranh lập chốt trên đường Hồ Chí Minh, tăng cường hoạt động 2 trạm kiểm dịch động vật Bắc & Nam trên tuyến quốc lộ 1A giám sát chặt chẽ việc vận chuyển lợn. Để tăng sức đề kháng cho đàn lợn, bên cạnh đôn đốc hướng dẫn các địa phương tổ chức tiêm phòng vắc xin miễn dịch các loại bệnh, tỉnh đã phát động tháng hành động tiêu độc khử trùng nhằm làm sạch môi trường.
Khi dịch tai xanh xảy ra, BCĐ phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh đã kịp thời chỉ đạo ngành Thú y huy động nhân, vật lực cùng với các địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống bao vây ổ dịch như: tổ chức các chốt cấm vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra vào vùng dịch. Khi lợn ốm phải báo cáo, tổ chức tiêu huỷ kịp thời những con ốm nặng. Cách làm này đã khống chế sự lây lan của dịch ngay từ đầu, hạn chế lợn bị chết oan, gây thiệt hại cho người chăn nuôi. Trường hợp trang trại của anh Đăng (Quỳnh Lưu) có tổng đàn 270 con, 42 con ốm bị tiêu huỷ, số còn lại được cách ly, chăm sóc nay vẫn phát triển bình thường. Đặc biệt khi công bố dịch trên địa bàn tỉnh, hầu hết các huyện đều chủ động tuyên truyền vận động nhân dân không được giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn. Đối với những trường hợp cố tình không chấp hành phần lớn bị phát hiện, ngoài tịch thu tiêu huỷ tang vật còn bị xử phạt. Ngoài ra, công tác tuyên truyền đã đi trước một bước, góp phần giúp nhân dân không những hiểu tính nguy hiểm của dịch bệnh mà còn nắm chắc các biện pháp chủ động phòng chống dịch bệnh một cách hiệu quả.
Bằng thực hiện các biện pháp tổng hợp, đồng bộ nên dịch tai xanh được bao vây khống chế, sự tán phát của dịch cơ bản được ngăn chặn. Toàn tỉnh chỉ có 7/19 huyện thành thị có dịch tai xanh trong đó tập trung chủ yếu ở 3 huyện: Diễn Châu, Quỳnh Lưu và Yên Thành.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cấp uỷ, chính quyền chưa vào cuộc quyết liệt, có tư tưởng phó thác cho thú y nên đã để xảy ra hiện tượng người dân lén lút giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn trái phép, dấu lợn bị bệnh, cá biệt ở Diễn Hạnh chính quyền đã mất cảnh giác đến nỗi để kẻ xấu đào bới lợn bị bệnh đã chôn lên làm thịt… Mới quan tâm việc phòng chống nhưng chưa lo tháo gỡ khó khăn cho sản xuất. Nhiều vùng chưa có dịch nhưng chưa có những giải pháp kịp thời để tiêu thụ chế biến sản phẩm thịt lợn, gây bế tắc, làm thiệt hại cho ngành Chăn nuôi.
Vì thế, để tiếp tục làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm cần siết chặt kỷ cương theo pháp luật qui định, đồng thời phải có hướng dẫn thật khoa học, hợp lý, thống nhất nhằm tháo gỡ khó khăn bế tắc cho ngành Chăn nuôi.
Theo Văn Đoàn
Nguồn: Báo Nghệ An 25/06/08