Doanh nghiệp thú y sợ chứng chỉ chất lượng

28/08/2008

Cuối tháng 3, Hiệp hội và 37 đơn vị đại diện của ngành này đã ký một văn bản chung đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cục Thú y VN xem xét kéo dài thời gian thực hiện GMP thêm 4 năm nữa, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn, mở rộng quy mô sản xuất và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc cấp giấy chứng chỉ, tránh khỏi nguy cơ xóa sổ hàng loạt.

Nguy cơ xóa sổ mà VVPA đề cập xuất phát từ một văn bản hồi đầu năm 2008 của Cục Thú y, thông báo lộ trình thực hiện GMP: Chậm nhất là cuối năm 2008, các doanh nghiệp phải áp dụng tiêu chuẩn GMP đối với dây chuyền sản xuất các loại thuốc tiêm hoặc thuốc uống dạng dung dịch.
Các dây chuyền sản xuất thuốc bột cho uống hoặc trộn thức ăn bắt buộc phải đạt GMP vào cuối năm 2010. Đến thời hạn này nếu đơn vị nào không có chứng chỉ GMP, các sản phẩm đã sản xuất chỉ được lưu hành đến hết ngày 31/12/2010. Đối với dây chuyền sản xuất thuốc bột pha tiêm và các dạng thuốc khác có hạn cuối cùng vào năm 2012.
GMP là hệ thống các nguyên tắc, yêu cầu nhằm đảm bảo các hãng thuốc, các nhà sản xuất chế biến thực phẩm luôn làm ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng. Các nước thuộc khu vực ASEAN bắt đầu áp dụng quy định này từ năm 1996.

Tại VN, Bộ Y tế bắt đầu triển khai quy chế GMP đối với các sản phẩm thuốc y dược từ năm 1996. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng công bố lộ trình áp dụng GMP đối với các sản phẩm thuốc thú y bắt đầu từ năm 2004 và thời hạn chót là 2006. Tuy nhiên do chưa có sự chuẩn bị, kế hoạch này được gia hạn thêm 2 năm, tức là cuối năm 2008.

Ông Vũ Huy Tấn – Chủ tịch VVPA cho hay, mới có 7 trong tổng số 177 doanh nghiệp thuốc thú y của cả nước được cấp chứng chỉ GMP. Đây đều là các doanh nghiệp lớn hoặc liên doanh.

170 doanh nghiệp còn lại (gồm 90 đơn vị từ Bộ Thủy sản cũ chuyển sang và 80 doanh nghiệp thuộc ngành thú y) đều đồng ý áp dụng quy chuẩn GMP nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Nhưng điều kiện của GMP, theo VVPA, là quá khắt khe nên dù Cục Thú ý đã lùi thời điểm áp dụng từ 2006 đến 2008, cũng chỉ có khoảng 2-3 doanh nghiệp nữa đủ khả năng nhận chứng chỉ.

GMP có quy định về mức vốn tối thiểu phải có là 17 tỷ đồng để xây dựng nhà máy, xưởng sản xuất, đào tạo đội ngũ cán bộ lành nghề và 10 tỷ đồng nữa để hoạt động… Con số này quá lớn đối với nhóm 170 doanh nghiệp chưa nhận chứng chỉ, vì họ đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất thô sơ, vốn chưa vượt qua 7 tỷ đồng. Các doanh nghiệp này đang chiếm trên 50% thị phần cả nước.

“Nếu lập tức áp dụng GMP vào cuối năm 2008 thì chẳng khác nào đẩy hơn 90% doanh nghiệp trong ngành đến bên bờ vực phá sản. Doanh nghiệp phá sản cũng đồng nghĩa với hàng nghìn lao động sẽ bị thất nghiệp, đời sống sinh hoạt bị đe dọa”, ông Tấn nói.

Ông cho hay, trong hai năm hoãn GMP (từ 2006 đến 2008), ngành chăn nuôi điêu đứng bởi dịch cúm gà, lợn tai xanh, thiên tai. Gia súc gia cầm bị tiêu hủy hàng loạt, có thời điểm bị hạn chế nuôi. Lĩnh vực sản xuất thuốc cũng bị vạ lây khi không bán được hàng, có doanh nghiệp sụt giảm doanh thu đến gần 40%. Nay cần có thêm thời gian để doanh nghiệp hồi phục.

“Sau 4 năm ân hạn, nếu doanh nghiệp nào không đạt được GMP thì phải chấp nhận phá sản, chúng tôi cũng không tiếc”, ông Tấn nhấn mạnh.

Trao đổi với VnExpress ngày 10/4, Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh cho hay đã nhận được kiến nghị của VVPA và một số doanh nghiệp kêu khó về thời điểm áp dụng chứng chỉ GMP. “Chúng tôi đã báo cáo tình hình lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Bộ có chỉ đạo tiếp tục làm, bởi GMP là tiêu chuẩn quy định quốc tế các nước trong khu vực đã áp dụng”, ông Quang Anh nói.

Theo ông, thị trường thuốc thú y thời gian gần đây đang trong giai đoạn “bát nháo” khi có quá nhiều cơ sở sản xuất mọc lên. Do vậy, việc áp dụng GMP ngoài mục tiêu đảm bảo vấn đề an toàn, chất lượng giảm ô nhiễm còn nhằm mục đích thanh lọc doanh nghiệp theo hướng “ít mà tinh còn hơn nhiều mà bát nháo”.

“Nếu Chính phủ yêu cầu lùi thời điểm áp dụng GMP thì chúng tôi đành chịu, còn quan điểm của chúng tôi là “chấp nhận thương đau” để xốc lại thị trường. GMP là con đường duy nhất giúp thuốc thú y VN có thể cạnh tranh với hàng ngoại nhập”, ông Quang Anh nói thêm.

Hồng Anh

Trả lời