Đoàn gồm 9 thành viên do Tiến sỹ Nguyễn Hữu Nam dẫn đầu.
Khoa Thú Y vừa được tái lập ngày 25 tháng 1 năm 2007. Ngay sau khi tái lập Khoa đã nhanh chóng ổn định tổ chức để đi vào hoạt động. Song sau khi tách ra từ Khoa Chăn nuôi Thú y, lĩnh vực hợp tác quốc tế của Khoa Thú y chưa được củng cố. Ban chủ nhiệm Khoa đã tích cực tìm kiếm cơ hội và săn tìm đối tác, nhằm đưa các cán bộ chủ chốt của Khoa đi tham quan một số nước lân cận như Thái Lan, Trung Quốc, Malayxia… học tập kinh nghiệm và đề ra chiến lược phát triển Khoa Thú Y trong tương lai gần.
Điểm đến được lựa chọn là Trường Đại học Chulalongkorn – một trường Đại học nổi tiếng của Thái Lan và của Đông Nam Á.
Trên trang Web của trường Chulalongkorn luôn xuất hiện các hình ảnh về hoạt động của đoàn công tác của Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Lịch làm việc được bố trí rất chu đáo và chặt chẽ.
Chuyến đi thăm của đoàn là thăm bệnh viện đại gia súc và trại thí nghiệm thực tập của Trường Chulalongkorn đặt tại Nakhorn Pathom, thăm trang trại nuôi bò sữa lớn của nông dân Thái Lan, thăm bộ môn Bệnh lý Thú y, bộ môn Ký sinh trùng Thú y và Bộ môn Giải phẫu, tham gia hội thảo với phía bạn về chương trình đào tạo Thú y của hai trường.
TS. Thongchai phó trưởng Khoa Thú y của Trường Chulalongkorn đã giới thiệu chương trình đào tạo của Thái Lan. Chương trình đào tạo Thú y của Trường Chulalongkorn kéo dài 6 năm với 240 tín chỉ. Phía bạn rất ngạc nhiên và hỏi rất nhiều về hệ vừa học vừa làm và ngành Chăn nuôi Thú y của Việt Nam vì 2 hệ đào tạo này không có ở Chulalongkorn.
Đoàn tiếp tục thăm bộ môn bệnh thủy sản, trung tâm chẩn đoán bệnh, thăm giảng đường và lớp học lý thuyết môn bệnh lý Thú y, thăm lớp đang thực tập môn bệnh lý thú y, thăm thư viện và phòng truyền thống của Khoa và đặc biệt là thăm bệnh viện tiểu gia súc của Khoa. Đồng thời ký Memorandum giữa 2 Khoa.
Khoa Thú y của Trường Chulalongkorn có 145 cán bộ nhân viên nhưng mỗi năm chỉ tuyển 150 sinh viên, nhưng cơ sở vật chất rất đầy đủ. Mỗi bộ môn đều có phòng thí nghiệm, là nơi nghiên cứu của giáo viên, học sinh cao học và nghiên cứu sinh, phòng thực tập của sinh viên, phòng trưng bày mẫu vật, thư viện riêng cho bộ môn, phòng dành cho sinh viên thảo luận chuyên đề…
Khoa còn có 1 bệnh viện đại gia súc kèm theo trại thực tập và bệnh viện tiểu gia súc có 120 000 ca bệnh mỗi năm với đầy đủ các chuyên khoa tim mạch và tiết niệu…
Phòng thực tập môn bệnh lý thú y có 150 chiếc kính hiển vi được chia thành 15 bàn, mỗi bàn 10 kính và được nối với hệ thống màn hình để sinh viên có thể cùng nhau thảo luận nội dung quan sát được trên kính hiển vi. Phòng thực tập môn giải phẫu với hàng chục xác gia súc ngâm Formol và hàng chục bộ xương của các loại động vật để sinh viên thực tập, tranh ảnh mầu và mô hình được gắn trên tường rất sinh động nên sinh viên có nhiều cơ hội học tập. Tại bệnh viện thú y có các phòng nhỏ để cho các nhóm sinh viên có thể thảo luận, hội chẩn, tập chẩn đoán bệnh cho gia súc, gia cầm. Giảng đường rộng và được gắn hệ thống projector rất tiện dụng trong giảng dạy.
Khoa đã ký Memmoradum với Khoa Thú y của Trường Chulalongkorn đồng thời duy trì và thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ với Trường Đại học Miyazaki của Nhật Bản; mở ra một trang mới trong lĩnh vực hợp tác quốc tế. Chuyến đi đã khép lại song ấn tượng của chuyến đi vẫn còn mãi, lãnh đạo khoa Thú y đã tạo được sự đồng thuận cao với mục tiêu xây dựng Khoa Thú y ngang tầm với khu vực trong tương lai gần.
Khoa Thú Y