Chia sẻ kết quả giải trình tự gien vi rút cúm gia cầm

11/09/2008

Một số nước và tổ chức đã bị chỉ trích vì giấu giếm kết quả phân tích gien vi rút. Những thông tin này đã được giữ kín, một phần vì họ lo rằng các nhóm những nhà nghiên cứu khác có thể dùng những kết quả này để công bố như các kết quả nghiên cứu khoa học nhưng lại không xác nhận sự đóng góp của các nhà nghiên cứu khác có tham gia chương trình.

Nay nhiều nhà nghiên cứu cúm gia cầm hàng đầu đã nhất trí sơ bộ về việc chia sẻ dữ liệu trong khuôn khổ chương trình có tên gọi là “Sáng kiến toàn cầu về chia sẻ dữ liệu cúm gia cầm” (GISAID). Bản thỏa thuận này được phát hành trên tờ Nature ngày hôm nay, được 70 nhà khoa học và quan chức y tế và thú y ký tên, trong đó có cả 6 người đoạt giải thưởng Nobel.

Các chi tiết cụ thể về thỏa thuận này hiện vẫn đang được bàn thảo. Tuy nhiên, về cơ bản những người tham gia đã nhất trí gửi kết quả giải trình tự gien vào một nơi an toàn (phần này vẫn chưa được thiết lập) tại các cơ sở dữ liệu trên mạng hiện có, ngay sau khi có kết quả và phân tích. Nhóm các nhà khoa học này đề xuất thu thập dữ liệu thông qua Chương trình cơ sở dữ liệu hợp tác quốc tế về trình tự gien – một mạng lưới gồm 3 cơ sở dữ liệu mở chính trong lĩnh vực này.

Ban đầu chỉ những người đã ký thỏa thuận mới có thể tiếp cận được những dữ liệu này nhưng muộn nhất là 6 tháng sau đó, những dữ liệu này sẽ được công bố công khai.

Các nhà khoa học ký thỏa thuận đã hứa sẽ chia sẻ các kết quả giải trình tự gien của họ. Họ cũng phải đồng ý hợp tác và trong trường hợp cần thiết, phải trích dẫn công trình của người khác một cách thỏa đáng trong các bài viết của và trong các thỏa thuận về quyền sở hữu trí tuệ.

So sánh dễ dàng hơn

Qua việc lưu tất cả các kết quả giải trình tự gien chung ở một nơi và cho phép nhiều người có khả năng tiếp cận nguồn dữ liệu này, người ta hy vọng rằng các nhà khoa học có thể tiến hành so sánh một cách nhanh chóng giữa chủng vi rút mới với nhiều chủng khác cả gây bệnh cho động vật và cho người. Hình thức phân tích này sẽ cho biết liệu vi rút đã có biến chủng trong quá trình lây truyền từ đàn gia cầm này sang đàn khác hoặc trong trường hợp vi rút lây lan từ người sang người thì sẽ cho biết rằng liệu nó có phát triển khả năng kháng thuốc hay không.

Peter Palese, người hiện đang nghiên cứu về vi rút cúm tại Trường Y khoa Mount Sinai tại New York cho biết: “Đây là một bước tiến rất khả quan”. Bản thỏa thuận có được các chữ ký của nhiều nhà khoa học từ các nước bị dịch cúm gia cầm nặng nhất, trong đó có Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Chính phủ Indonesia đã cam kết công khai kết quả xét nghiệm. Tuy nhiên, Palese phân vân liệu thỏa thuận này có thể triển khai thấu đáo nếu như không có sự tham gia triệt để của chính phủ các nước này. Ông bổ sung: “Chúng ta cần những người này cùng tham gia”.

Mạng lưới toàn cầu

Cho đến nay, các cơ quan nghiên cứu có xu hướng giấu kín kho thông tin của họ về kết quả giải trình tự gien. Nhiều kết quả giải trình tự gien mà chỉ có mạng lưới toàn cầu bao gồm 15 phòng thí nghiệm về cúm gắn bó với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là có thể tiếp cận được mà thôi.

Nhà vi rút học thú y Ilaria Capua ở Vialle dell”Universita tại Padova, Ý, bắt đầu phản đối hệ thống này từ tháng 3 năm nay. Thay vì đưa dữ liệu giải trình tự gien của mình lên một cơ sở dữ liệu nào đó có liên kết với WHO và được bảo mật bằng mật khẩu, bà đã chọn cách đưa các kết quả này lên cơ sở dữ liệu công khai GenBank và kêu gọi các đồng nghiệp cùng làm như vậy. Bà nói: “Khi chúng ta đối mặt với đại dịch, chúng ta không được do dự khi đưa ra các hoạt động ưu tiên cần phải làm ngay”.

Sau đó, ngày càng có nhiều người ủng hộ ý tưởng về việc có các cơ sở dữ liệu công khai. Bà Capua được hỗ trợ nhiệt tình bởi Peter Bogner, người có nhiều mối quan hệ tốt với nhiều nhà nghiên cứu và hiện đang điều hành một cơ quan tư vấn có tên gọi là Tổ chức Bogner ở Santa Monica, California. Bogner đi khắp nơi trên thế giới, nói chuyện với các nhà khoa học và những nhà hoạch định chính sách về vấn đề này. Sau cùng, nhóm các chuyên gia cúm gia cầm được thành lập bởi Tổ chức Thú y Thế giới và Tổ chức Nông lương Thế giới của Liên hiệp quốc, có tên gọi là OFFLU, đã thông qua ý tưởng này.

Công khai cho mọi người cùng truy cập

Nỗ lực của Bogner và Capua đã hình thành nên thỏa thuận GISAID với sự tham gia của Nancy Cox, Trưởng phòng cúm gia cầm của Trung tâm phòng chống dịch bệnh (CDC) tại Atlanta, Georgia, và David Lipman, giám đốc Trung tâm thông tin công nghệ  sinh học quốc gia tại Bethesda, Maryland.

Một số tổ chức đã bắt đầu chia sẻ kết quả giải trình tự gien của họ một cách cởi mở hơn. Hồi đầu tháng này, Chính phủ Indonesia thông báo rằng họ sẽ chia sẻ dữ liệu giải trình tự gien của họ cho các nhà khoa học ở khắp nơi trên thế giới. Đầu tuần này CDC công bố rằng họ đã cung cấp kết quả giải trình tự gien của 650 gien vi rút cúm cho một cơ sở dữ liệu mở.

Capua cho biết rằng bà “thực sự rất hạnh phúc vì kết quả này “. Bà cho biết, có lẽ cũng nên áp dụng mô hình này để chia sẻ kết quả phân tích gien đối với các bệnh truyền nhiễm khác mới xuất hiện, qua đó thông tin sẽ được chia sẻ một cách nhanh chóng. Bà nói: “Nếu phát ra ổ dịch SARS mới thì chúng ta đã có một hệ thống ứng phó”.

(Theo Nature)

Trả lời