Tuy nhiên, do chưa có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn dài hơi nên sau một thời gian bị khống chế tạm lắng, thì dịch bệnh lại quay trở lại. Và như mang tính quy luật mỗi lần trở lại như vậy dịch bệnh càng bùng phát mạnh hơn, nguy hiểm hơn và tất nhiên là thiệt hại nhiều hơn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như ý thức phòng, chống, ngăn ngừa dịch bệnh của người dân, chính quyền địa phương còn kém, giao lưu hàng hóa giữa các vùng ngày càng nhiều nên khả năng lây lan rất nhanh, khó kiểm soát… Nhưng nguyên nhân chủ yếu, quan trọng nhất vẫn là do chúng ta chưa xây dựng được hệ thống thú y viên cơ sở đủ mạnh để đủ sức phòng, chống, khống chế dịch bệnh nguy hiểm ở gia súc, gia cầm một cách kịp thời, hiệu quả. Thường thì khi nào địa phương xuất hiện, bùng phát dịch bệnh thì chính quyền mới nhớ đến đội ngũ này và huy động họ phục vụ công tác chống dịch, khi hết dịch bệnh thì họ bị bỏ quên.
Hiện nay, ở rất nhiều địa phương gần như “trắng” đội ngũ thú y viên cơ sở do mức phụ cấp quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống ở mức tối thiểu. Ngoài ra hầu như không có bất cứ chế độ đãi ngộ nào nên nhiều người đã bỏ việc. Bên cạnh đó, phần lớn trong số họ không thuộc diện biên chế hoặc hợp đồng lao động dài hạn nên không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm nghề nghiệp dù họ phải lao động trong môi trường nguy hiểm, độ rủi ro cao, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng. Trong những trường hợp được huy động chống dịch thì được hỗ trợ nhưng không đáng là bao.
Thiết nghĩ, các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành cơ chế về biên chế, kinh phí và chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ thú y viên cơ sở để không những xây dựng hệ thống thú y chính quy, nền nếp mà còn góp phần giữ chân những người đang làm công tác thú y ở cơ sở và để công tác này ngày càng hiệu quả hơn trong việc phòng, chống kịp thời các dịch bệnh ngày càng nhiều và diễn biến phức tạp như hiện nay.
Quốc Cường