Vitamin B1 có chức năng là co-enzyme trong biến dưỡng carbohydrate. Đây là loại vitamin cần cho sự chuyển hóa glucid cung cấp năng lượng cho cơ thể. Thiếu sẽ gây tình trạng vật nuôi chán ăn, chậm lớn, tổn thương hệ thần kinh, đau dây thần kinh.
Khẩu phần của heo nếu sử dụng nguồn tấm, cám làm nguồn cung cấp năng lượng thì thường ít bị thiếu Vitamin B1 nhưng nếu khẩu phần dùng khoai củ làm nguồn cung năng lượng thì nên bổ sung thêm. Trong khi đó, gia cầm rất nhạy cảm với việc thiếu Vitamin B1, khi thiếu dẫn đến triệu chứng chân đưa về phía trước, các ngón chân run, đầu ngẩng lên trên (ngược với thiếu Vitamin E đầu gập xuống), đi đứng khó khăn, tích nước trong mô nên thịt nhão, phù nề do tích nước dưới da nhiều, nhu động ruột kém nên tiêu hóa kém, gà ăn ít, tình trạng nặng có thể co giật và chết. Gia cầm thường thiếu B1 trong trường hợp sử dụng nhiều thức ăn củ như khoai mỳ, khoai lang hoặc thức ăn hạt dự trữ lâu ngày, bảo quản không tốt nên bị mốc.
Nhu cầu và liều lượng
Khi bổ sung vitamin cho vật nuôi cần lưu ý các vấn đề sau:
– Nhu cầu vitamin thay đổi tùy theo từng giống và lứa tuổi của con vật. Chẳng hạn, heo trưởng thành sử dụng nhiều glucid hơn heo nhỏ nên nhu cầu Vitamin B1 tăng cao. Tương tự ở heo thịt, nái chửa, nái nuôi con sử dụng nhiều năng lượng cũng cần nhiều Vitamin B1.
– Trạng thái stress, trạng thái nhiễm khuẩn thì vật nuôi cần nhiều vitamin hơn trạng thái sức khỏe bình thường.
– Môi trường và sự quản trị đàn nuôi cũng có ảnh hưởng đến nhu cầu vitamin. Vitamin B1 được tổng hợp dưới dạng Thiamin HCl khá bền hơn nguồn thiên nhiên, có thể bổ sung cho heo qua dạng Premix. Đối với gia cầm, nguồn thức ăn chứa nhiều B1 như nấm men, men rượu, sử dụng chế phẩm từ nấm men 2 – 3% hoặc cám gạo, cám mỳ 5 – 10% trong thức ăn cho gia cầm sẽ đáp ứng đủ nhu cầu Vitamin B1 cho gia cầm là 2 mg/kg thức ăn.
Phương pháp bổ sung
Có 3 cách bổ sung Vitamin B1 cho vật nuôi gồm: Bổ sung premix vào thức ăn hỗn hợp pha sẵn: Đây là phương pháp cung cấp vitamin phổ biến nhất hiện nay. Ưu điểm là dễ áp dụng cho nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi. Người ta coi như trong thức ăn hỗn hợp không có vitamin, vì vậy các premix vitamin phải hoàn toàn đáp ứng nhu cầu vitamin cho vật nuôi. Tuy nhiên nhược điểm là các vitamin sẽ bị hư hỏng theo thời gian bảo quản thức ăn, khi có stress do thời tiết hay bệnh tật thì nhu cầu vitamin của thú tăng lên, lúc đó vitamin trong premix không đáp ứng đủ. Vì lẽ đó premix vitamin trong thức ăn hỗn hợp chỉ giải quyết được nhu cầu bình quân cho vật nuôi. Sử dụng vitamin hòa tan trong nước: Đây là cách bổ sung vitamin thường được ứng dụng trong chăn nuôi gia cầm, nhất là trong những ngày trời nóng gà bị stress nhiệt, hoặc lúc gà nhiễm bệnh, lúc chủng ngừa hay lúc gà đạt đỉnh đẻ trứng cao cần cung cấp thêm vitamin nhưng khó trộn thêm, do gia cầm ăn thức ăn ép viên mà premix vitamin thường là dạng bột. Cần lưu ý tính toán lượng nước gà uống (thường gấp đôi lượng thức ăn) để pha vitamin cho gà uống trong ngày, không để qua hôm sau sẽ hư hỏng các vitamin. Bổ sung bằng cách tiêm: Đây là cách cung cấp vitamin thường được áp dụng trên heo để bổ sung ngoài các premix cung cấp vitamin qua thức ăn.
Theo Phương Đông (nguoichannuoi.vn)