Hoạt động bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của Ngành Thú y

09/09/2008

Những vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm của nông sản thực phẩm không chỉ là rào cản khắc nghiệt với hàng hoá xuất khẩu  mà còn làm giảm sức cạnh tranh ngay trên sân nhà – thị trường tiêu thụ trong nước. Chính người Việt Nam không dùng hàng hoá Việt nam vì kém chất lượng và không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Hậu quả dây chuyền tất yếu là có hàng loạt người lao động trong các trang trại, cơ sở chế biến… bị mất việc, lâm vào cảnh nghèo đói. Đây là thách thức đối với các nước nghèo, các nước đang phát triển khi gia nhập WTO. Chính vì vậy, an toàn vệ sinh thực phẩm là nhiệm vụ cấp bách của các ngành các cấp.

Ngành thú y được phân công kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn vệ sinh thực phẩm của các loại thực phẩm tươi sống ( thịt, trứng sữa, mật ong ) phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đồng thời đề xuất, thực hiện các biện pháp nhằm cải thiện vệ sinh cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Hàng năm, ngành thú y phải kiểm tra, kiểm soát khoảng 1,75 – 2 trịêu tấn thịt lợn, 370 ngàn – 450 ngàn tấn thịt gà, vịt; 160 ngàn – 180 ngàn tấn thịt trâu, bò; 4,8 – 5,2 tỷ quả trứng gà vịt; 120 ngàn – 130 ngàn tấn sữa tươi và 2100 – 2500 tấn mật ong.
Được sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, năm 2005 và 6 tháng đầu năm 2006, song song với công tác phòng chống dịch bệnh, Cục Thú y đã tích cực thực hiện nhiều hoạt động bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

1.     Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật & quy phạm kỹ thuật bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm 

Trong năm 2005 và 6 tháng đầu năm 2006, Cục Thú y đã tham gia tích cực vào việc đàm phán và chuẩn bị các điều kiện thực hiện Hiệp định WTO/SPS, góp phần vào việc xúc tiến thương mại và chuẩn bị gia nhập WTO; xây dựng và trình bộ ban hành 24 văn bản quy phạm pháp luật, 58 tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật phục vụ tiến trình hội nhập và công tác quản lý nhà nước về thú y. Thời gian còn lại trong năm, Cục tiếp tục hoàn thành việc xây dựng 25 tiêu chuẩn, quy trình quy phạm kỹ thuật thuộc 4 lĩnh vực quản lý thuốc thú y, kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y, chẩn đoán bệnh động vật.

2.     Về công tác thanh kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm
Thanh kiểm tra liên ngành

Cục Thú y đã phối hợp với Vụ Pháp chế – Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm – Bộ Y tế, Cục Quản lý Thị trường – Bộ Thương mại tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác kiểm dịch nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là hoạt động chống nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng như sau: tính đến ngày 17/4/2006, các lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn đã bắt giữ 26 vụ và tiêu hủy 12.208 kg gà sống, 583 con gà con, 40 kg thịt gà, 80 kg thịt bò, lợn và 50 kg tim cật lợn. Tại Quảng Ninh, đã bắt giữ 47 vụ với 169.500 quả trứng gia cầm, 32.516 kg gà thịt, 1562 con vịt giống, 49 con bò. Tại Lào Cai, đã bắt giữ 21 vụ, xử lý tiêu hủy 500 kg gà sống, 36.260 quả trứng gà, 245 kg thịt bò, lợn và 30 kg tim  lợn và 2000 kg lợn thịt. Sự giao lưu buôn bán với Lào tập trung chủ yếu tại các tỉnh Thanh hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị chủ yếu là trâu, bò (với số lượng khoảng 700 con/ tháng), ngựa (100 con/tháng) và chó thịt. Bình quân một tháng số lượng bò thịt nhập khẩu khẩu bất hợp pháp từ Campuchia vào Việt Nam tại tỉnh Đồng Tháp khoảng trên 100 con, An Giang khoảng 400-500 con, Kiên Giang khoảng 700 con, Long An khoảng 1000 con/tháng. Kết quả thanh, kiểm tra cho thấy tình hình nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới diễn biến hết sức phức tạp, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác ngăn chặn và xử lý nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành tại địa phương chưa thống nhất và thiếu chặt chẽ;
Thanh tra việc giết mổ, vận chuyển gia súc gia cầm tại 16 cơ sở giết mổ tập trung phía Bắc và 9 cơ sở phía Nam; kết quả cho thấy: Hà Nội, Hà Tây, Nam Định chưa có sự chuyển biến tích cực. Thành phố Hồ Chí Minh triển khai việc thực hiện giết mổ tập trung rất tốt. Hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh quy hoạch 40 cơ sở giết mổ gia súc, 52 cơ sở giết mổ gia cầm, kiểm soát trên 97% số lượng gia súc, gia cầm được giết mổ.

3.     Công tác tuyên truyền 

Cục Thú y đã phối hợp với Ban chuyên đề chương trình VTV1 Đài truyền hình Việt Nam xây dựng chương trình tuyên truyền về vệ sinh thú y, VSATTP nhằm nâng cao ý thức của người dân về VSATTP trong các hoạt động từ chăn nuôi, giết mổ, chế biến đến lưu thông trên thị trường tại các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hà Tây, Hải Phòng, Nam Định, Thành phố Hồ Chí Minh. In và phát hành 36000 tờ rơi tuyên truyền an toàn thực phẩm trong giết mổ vận chuyển và buôn bán gia súc gia cầm; Tổ chức tập huấn cho  hàng ngàn  học viên thuộc các chi Cục Thú y các tỉnh, thành phố. Học viên được tiếp cận sâu hơn với hệ thống các văn bản pháp luật về VSATTP, Pháp lệnh Thú y sửa đổi ngày 29/4/2004 và giới thiệu về phương pháp quản lý theo hệ thống HACCP trong giết mổ, chế biến. Học viên được tập huấn về quy trình kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, tham quan và thực hành tại cơ sở giết mổ xuất khẩu thuộc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Huy Quang – Hải Phòng

4.      Xây dựng vùng sản xuất thực phẩm an toàn:

Cục Thú y chỉ đạo xây dựng mô hình sản xuất mật ong an toàn tại Gia Lai, Đồng Nai với các biện pháp tổng hợp như: tập huấn kỹ thuật cho chủ cơ sở và người trực tiếp chăn nuôi ong, áp dụng các biện pháp kỹ thuật khống chế dịch bệnh, quy trình sử dụng thuốc phòng trị bệnh đúng phương pháp nhằm nâng cao chất lượng mật ong và giảm thiểu các chất tồn dư trong mật ong. Kết hợp với các Chi cục Thú y, xây dựng mô hình giám sát ô nhiễm vi sinh vật và hoá chất độc hại tại lò mổ lợn và  lò mổ gia cầm tập trung  tại TP. Hồ chí Minh và Hà Nội. Mô hình này được sự đồng thuận của các cơ sở sản xuất và chính quyền góp phần giảm ô nhiễm vi sinh trong giết mổ

5.      Kiểm tra kiểm soát ô nhiễm vi sinh và hoá chất tồn dư trong sản phẩm động vật

Năm 2005 và 6 tháng đầu năm 2006, 2 trung tâm Kiểm tra Vệ sinh Thú y Trung ương của Cục Thú y đã tổ chức 02 đợt kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở nuôi ong, thu gom, chế biến mật ong và lấy mẫu kiểm tra dư lượng kháng sinh, kim loại nặng trong mật ong xuất khẩu sang thị trường EU.
Tại Hà Nội kiểm tra 72 mẫu thịt, tỷ lệ mẫu không đạt tiêu chuẩn về vi sinh vật là 79,6%; không có mẫu vượt tiêu chuẩn về tồn dư kháng sinh và kim loại nặng;
Tại Đà Nẵng, kiểm tra tổng số 90 mẫu thịt gà, bò, lợn Có 06 mẫu phát hiện thấy Tetracycline ( chiếm  6,66% ), trong đó có 04 mẫu vượt giới hạn cho phép (chiếm  4,44% ); Có 02 mẫu phát hiện thấy Cloramphenicol và cả 02 mẫu đều vượt giới hạn cho phép (chiếm  2,22% ); Có 36 mẫu phát hiện thấy Chì trong đó có 11 mẫu vượt giới hạn cho phép (chiếm  12,22%); 37 mẫu phát hiện thấy Cadimi trong đó có 07 mẫu vượt giới hạn cho phép (chiếm  7,77%);

Phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2006 -2010 

1.      Xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, tiêu chuẩn quy trình kỹ thuật về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, quản lý thuốc thú y, chẩn đoán bệnh động vật phù hợp với các tiêu chuẩn khi tham gia hội nhập quốc tế.

2.      Thực hiện các chương trình quản lý, giám sát về dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, bệnh lây giữa người và vật nuôi; chương trình quản lý giám sát chất tồn dư đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật (thịt, sữa, mật ong) và quản lý giám sát các thuốc kháng sinh, hoá chất, chế phẩm sinh học sử dụng trong thức ăn chăn nuôi.

3.      Tăng cường công tác giết mổ tập trung. Tuỳ theo điều kiện của từng cơ sở giết mổ mà từng bước áp dụng các chương trình quản lý tiên tiến như chương trình GMP, GHP, HACCP nhằm giảm thiểu rủi ro về ô nhiễm vi sinh vật vào thịt tươi. Cần có chính sách hỗ trợ vốn, hỗ trợ sau đầu tư, quảng bá sản phẩm…. để duy trì bền vững các cơ sở giết mổ tập trung gia súc gia cầm. Song song với công tác quy hoạch hệ thống giết mổ tập trung, duy trì và hoàn thiện hệ thống giám sát ô nhiễm vi sinh vật và hoá chất tồn dư trong lò mổ.

4.      Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện mô hình sản xuất mật ong an toàn tại Tây nguyên, thịt gà, thịt lợn an toàn tại các tỉnh Miền Bắc, miền Đông, miền Tây Nam bộ.

5.      Phối hợp với các Bộ ngành tăng cường các hoạt động thanh, kiểm tra hàng năm các cơ sở chăn nuôi, giết mổ động vật, sơ chế, bảo quản sản phẩm động vật; thanh tra, kiểm tra công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trong đó trú trọng đến công tác ngăn chặn việc nhập lậu động vật, sản phẩm động vật qua biên giới;

6.      Thường xuyên mở các lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ làm công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; Phối hợp với các Trung tâm Thú y vùng, Chi cục Thú y mở các lớp tập huấn về yêu cầu vệ sinh thú y trong chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, buôn bán động vật, sản phẩm động vật cho các chủ cơ sở và nhân viên tại các cơ sở;

7.      Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng các chương trình thông tin tuyên truyền, giáo dục truyền thông về vệ sinh thú y, ATVSTP thông qua các hoạt động chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, buôn bán động vật, sản phẩm động vật;

8.      Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu về phòng chống dịch bệnh,  kiểm tra kiểm soát ATVSTP, bảo vệ môi trường vào thực tiễn sản xuất.

Trả lời