Gia nhập WTO: Cơ hội và thách thức đối với thú y

11/09/2008

Gia nhập WTO là sự dũng cảm và quyết tâm của Việt Nam, bởi vào WTO tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế đất nước, nhưng cũng không ít thách thức được đặt ra cho chúng ta, không chỉ riêng cho các doanh nghiệp mà còn cả cho những người làm công tác quản lý.  Đối với ngành Thú y, chúng ta có ưu thế là có một hệ thống tổ chức quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, với một lực lượng cán bộ “đủ về số lượng” như đánh giá của TS. Eric Fermet-Quinet, chuyên gia đánh giá của OIE, gồm hơn năm mươi ngàn người hoạt động từ trung ương đến cơ sở. Chúng ta có một hệ thống văn bản pháp quy, quy trình, quy phạm tương đối đầy đủ và phù hợp. Về cơ sở vật chất, một số phòng thí nghiệm chủ chốt đã được trang bị máy móc hiện đại; phương tiện làm việc ở các văn phòng cũng đầy đủ hơn. Ngoài ra, chúng ta còn có sự hợp tác và trợ giúp của các tổ chức quốc tế và các nước.  Tuy nhiên, để thực hiện nghĩa vụ của một nước thành viên WTO, mà cụ thể là thực hiện nghĩa vụ của Hiệp định Vệ sinh dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật (SPS), các nhà quản lý  Thú y còn nhiều việc phải làm.

Trước hết, phải xây dựng được HỆ THỐNG PHÁP LUẬT và cơ chế quản lý, bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy trình cho phù hợp với các hướng dẫn, tiêu chuẩn và khuyến nghị của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và của Ủy ban Codex, những tổ chức quốc tế  này được WTO xem như các tổ chức chịu trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn liên quan đến việc thực hiện Hiệp định SPS. Đồng thời xây dựng các chính sách nhằm động viên khuyến khích sản xuất và đáp ứng điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.

Ổn định TỔ CHỨC cũng là một yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Hệ thống quản lý nhà nước về thú y được xây dựng theo Nghị định 93/CP ngày 27/11/1993 của Chính phủ, gồm: Cục Thú y; các Chi cục Thú y tỉnh, thành phố bao gồm Trạm Thú y huyện, thị và thú y phường, xã cơ sở. Theo đánh giá của các chuyên gia OIE, hệ thống này cần được duy trì, củng cố và phát triển theo hướng chuyên ngành, hoạt động kỹ thuật theo ngành dọc. Giao lưu hàng hóa ngày một nhiều, chúng ta không thể ngăn chặn dịch bệnh lây qua biên giới cũng như tổ chức phòng chống dịch một cách có hiệu quả khi hệ thống thú y không ổn định.

Để vận hành một hệ thống hoàn chỉnh, chúng ta cũng cần có những CON NGƯỜI có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ của mình. So với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam có một đội ngũ cán bộ thú y tương đối hùng hậu. Nhưng, trình độ quản lý và trình độ chuyên môn cũng như ngoại ngữ của cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập, nhất là ở địa phương. Vì vậy, rất cần nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ này cả về chuyên môn và ngoại ngữ qua công tác đào tạo, bồi dưỡng và quy hoạch cán bộ.

Cần đầu tư xây dựng CƠ SỞ VẬT CHẤT cho các cơ quan thú y. Với sự đầu tư của nhà nước và sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế, đến nay các phòng thí nghiệm của Cục Thú y và một số Chi cục Thú y đã được trang bị máy móc hiện đại, nhưng chưa đủ và còn thiếu đồng bộ. Nhiều xét nghiệm do các nhà nhập khẩu động vật hoặc sản phẩm động vật nước ngoài yêu cầu chưa thực hiện được trong nước nên phải gửi đi nước ngoài, gây tốn kém cho doanh nghiệp. Các Trạm Kiểm dịch cửa khẩu cũng cần sớm được đầu tư trang thiết bị thích hợp để góp phần ngăn chặn dịch bệnh động vật từ ngoài vào mà không gây cản trở thương mại theo quy định của WTO. Ngoài ra, cần đầu tư công nghệ thông tin vào hệ thống quản lý thú y. Để thực hiện nghĩa vụ của Hiệp định SPS, cần phải nâng cao năng lực cho toàn ngành Thú y. Nếu không, chúng ta không những không  ngăn chặn được sự xâm nhập dịch bệnh động vật từ bên ngoài vào, mà còn không bảo vệ được nền sản xuất trong nước do động vật và sản phẩm động vật được tự do nhập khẩu vào Việt Nam.

WTO là con đường không chỉ có hoa hồng mà có cả chông gai.

Trả lời